Kinh nghiệm mở shop quần áo trẻ em từ A đến Z đầy đủ nhất

Kinh nghiệm mở shop quần áo trẻ em từ A đến Z đầy đủ nhất

Chốt Nhanh có sưu tầm được một chia sẻ về kinh nghiệm mở shop quần áo trẻ em khá hay, tuy hơi dài nhưng khá thiết thực và đáng giá cho những người đang nghiêm túc và muốn kinh doanh quần áo trẻ em thực sự. Bạn tham khảo bài viết nhé!

1. Buôn bán quần áo trẻ em có lãi không?

Với những tư tưởng tiến bộ nên hầu hết mỗi gia đình ngày nay chỉ sinh từ 1-2 em bé. Tất cả vì con, có thể nhiều lúc chi tiêu một thứ gì đó cho chính bản thân sẽ khiến các ông bố bà mẹ phải suy nghĩ, nhưng nếu cho con thì chẳng tiếc gì.

Vì thế dù là thời buổi kinh tế khó khăn, mua sắm quần áo mới cho con cái vẫn được các ông bố bà mẹ quan tâm rất nhiều. Đây là thuận lợi lớn cho những ai chọn kinh doanh mặt hàng này.

mở shop quần áo trẻ em

Mở shop quần áo trẻ em

Dưới đây là 1 số lý do mà bạn nên chọn kinh doanh quần áo trẻ em:

1.1. Thị trường quần áo trẻ em lớn

Sở dĩ nói thị trường quần áo trẻ em còn lớn vì nước ta có cơ cấu dân số trẻ, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động và trẻ em cao.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 1,5 triệu trẻ được sinh ra, đạt mức tăng trưởng từ 1,4 – 1,7%. Số liệu thống kê theo độ tuổi như sau:

  • Trẻ sơ sinh (1-12 tháng tuổi) có khoảng 1,2 triệu bé
  • Trẻ từ 1 đến 5 tuổi: Có khoảng 4 triệu bé, hàng năm thay đổi 1,2 triệu
  • Trẻ từ 6 đến 10 tuổi: Có khoảng 7 triệu bé, hàng năm thay đổi 1,1 triệu

Số lượng trẻ em càng lớn thì nhu cầu mua các đồ dùng cho bé càng cao, đặc biệt là trẻ sơ sinh cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ.

Vì vậy khi quyết định kinh doanh quần áo trẻ em bạn sẽ không phải lo sợ tình trạng thiếu đầu ra, quan trọng là bạn có thu hút được khách hàng và cạnh tranh với đối thủ như thế nào thôi.

1.2. Nhu cầu lớn, khả năng chi tiêu cao

Có một điều khá thú vị thế này, kinh doanh đồ trẻ em thì đối tượng sử dụng sản phẩm là các bé nhưng người chi tiêu lại là bố mẹ. Mà các ông bố bà mẹ ngày nay dù phải ăn tiêu tằn tiện nhưng luôn sẵn sàng chi mạnh tay nếu cần mua đồ dùng cho con mình, vì tâm lý ai cũng muốn dành điều tốt nhất để bé phát triển toàn diện trong giai đoạn đầu đời.

Đây chính là lợi thế tuyệt vời mà bạn cần nắm bắt, nhất là khi tư vấn sản phẩm cho khách, chỉ cần khéo léo đề cập đến lợi ích của sản phẩm với sức khỏe của bé thì chẳng ai ngần ngại khi bỏ tiền ra mua.

4-ly-do-nen-kinh-doanh-do-tre-em-2

Chia sẻ cách bán quần áo trẻ em hiệu quả

1.3. Đa dạng hàng hóa, mẫu mã

Kinh doanh quần áo trẻ em thì bạn có rất nhiều lựa chọn khi nhập hàng, từ các sản phẩm như quần áo, mũ nón đến giày dép, phụ kiện,... Đa phần hiện nay các cửa hàng kinh doanh đồ mẹ và bé đều đi theo hướng đa dạng sản phẩm, vừa dễ tăng lợi nhuận vừa phục vụ tốt nhu cầu của người mua hơn.

Tuy nhiên bạn vẫn có thể đi theo hướng chuyên biệt hóa, chỉ kinh doanh sữa, thời trang hoặc đồ chơi trẻ em, như vậy việc định hình và xây dựng thương hiệu cũng thuận lợi hơn.

1.4. Giá nhập thấp, quay vòng vốn nhanh

So với việc kinh doanh các mặt hàng dành cho người lớn thì đồ trẻ em có giá nhập thấp hơn rất nhiều nên phù hợp cho những ai có ít vốn. Đặc biệt mức độ tiêu thụ hàng hóa của ngành này rất cao, vì trẻ thường lớn nhanh, các vật dụng cần thiết như quần áo, đồ chơi,… phải thường xuyên thay đổi nên doanh thu không bị gián đoạn.

2. Những rủi ro khi kinh doanh quần áo trẻ em

Bên cạnh những thuận lợi nói trên, kinh doanh quần áo trẻ em cũng có 1 số khó khăn, rủi ro khiến các shop bán quần áo trẻ em khó có thể mở rộng được quy mô kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn.

2.1. Nhu cầu thị trường lớn nhưng bị hạn chế về địa lý

Các mẫu quần áo trẻ em thiết kế, đặc biệt là dòng thời trang cao cấp được các ông bố bà mẹ khá ưa thích. Tuy nhiên, nhu cầu này chỉ tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn nên hạn chế nhiều cho việc mở rộng địa bàn kinh doanh cho các shop kinh doanh quần áo trẻ em.

Tại các khu vực khác, thường là các tỉnh lẻ, họ không chú trọng quá nhiều đến mẫu mã sản phẩm, và ái ngại cho việc bỏ ra số tiền nhiều để mua quần áo cho con cái khi đang trong tuổi ăn tuổi lớn quần áo dễ mặc chật.

2.2. Giá cả quần áo trẻ em càng ngày càng đắt

Thêm 1 điều nữa, đa phần quần áo trẻ em đều đắt hơn quần áo người lớn. Đôi khi người ta hay thắc mắc: Tại sao 1 chiếc váy ít vải hơn lại đắt hơn cả 1 chiếc áo dành cho người lớn?

Và một nhược điểm từ phía tâm lý người tiêu dùng là trẻ em mau lớn, nên không cần chi quá nhiều cho mặt hàng này. Hạn chế này có lẽ thuộc về dòng kinh doanh thời trang trẻ em cao cấp.

Điều này lý giải vì sao kinh doanh quần áo trẻ em cũng không khiến nhiều người quá mặn mà và số lượng các shop kinh doanh quần áo trẻ em không nhiều như kinh doanh thời trang cho giới trẻ.

2.3. Quản lý cửa hàng chưa hiệu quả

Có lẽ lối kinh doanh theo kiểu truyền thống, ghi chép sổ sách ăn mòn quá nhiều vào người dân Việt nên họ ái ngại việc sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng hay các thiết bị hỗ trợ vào trong quá trình kinh doanh. Nhưng đây là 1 sai lầm khiến việc kinh doanh quần áo trẻ em không đạt được hiệu quả, thậm chí gây thất thoát, mất khách,...

3. Kinh nghiệm mở shop quần áo trẻ em từ A đến Z

3.1. Khảo sát thị trường quần áo trẻ em kỹ lưỡng, nghiêm túc

Khi thị trường có sức hút, kéo theo hàng loạt cùng đổ xô vào mở shop kinh doanh quần áo trẻ em. Điều đó tạo nên một cuộc cạnh tranh không ngừng giữa các shop về mẫu mã, giá cả, chủng loại...

Mặc dù vậy, mình nghĩ rằng đấy cũng là một điều tốt để mọi người cần phải cân nhắc thật kỹ khi bỏ một số vốn lớn ra kinh doanh, điều đó làm mọi người sẽ phải tìm hiểu, phân tích mọi thứ thật kỹ càng trước khi bước chân vào làm. Và sự thành công sẽ tiến đến gần hơn với các bạn vì nó được chuẩn bị kỹ càng trong một thời gian dài.

Vậy thì trước khi tiến hành mở shop quần áo trẻ em chúng ta cần phải quan tâm những gì để con đường dẫn tới thành công là ngắn nhất ???

Thứ nhất, theo kinh nghiệm kinh doanh quần áo trẻ em của mình, mọi người hãy bỏ thời gian đi khảo sát tìm hiểu xem hiện nay thị trường quần áo trẻ em đang sôi động đến mức nào (có bao nhiêu cửa hàng quần áo trẻ em, bao nhiêu cửa hàng mà qua mắt bạn bạn thấy họ thành công và phát triển, bao nhiêu cửa hàng đang hoạt động chậm và có nguy cơ phá sản, bao nhiêu cửa hàng trẻ em đăng nhượng cửa hàng – lý do họ nhượng là gì...).

kinh nghiệm mở shop quần áo

Kinh nghiệm mở shop quần áo trẻ em

Thứ hai, hãy tìm hiểu xem nhu cầu của các bố các mẹ về đồ cho con như thế nào, lứa tuổi nào được các bố các mẹ đầu tư nhiều nhất về quần áo, giày dép, làm đẹp và nhu cầu cụ thể cho từng lứa tuổi như thế nào. Các bố mẹ thích loại hàng gì, quần áo VNXK, Cambodia, hay Trung quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Các bố các mẹ cần gì nhiều thì mình đáp ứng nhiều, theo số đông, cái gì mà các bố các mẹ ít quan tâm thì chúng ta sẽ giới hạn lại. Điều này góp phần cho việc đầu tư phân chia vốn kinh doanh một cách hợp lý nhất.

Thứ ba, chúng ta nên tìm hiểu xem các bố các mẹ bỏ tiền ra mua đồ cho con như thế nào. Bỏ bao nhiêu thì hợp lý, vừa vui lòng mà vẫn hợp lý với tài chính gia đình. Chia phần trăm ra xem có bao nhiêu bố mẹ mua cho con bất cứ cái gì mình thích không quan tâm giá, bao nhiêu bố mẹ hài lòng với mức giá cao hàng đẹp, bao nhiêu phần trăm bố mẹ chỉ mua hàng ở mức giá trung bình, vừa phải, bao nhiêu bố mẹ chỉ mua hàng ở mức giá thấp...

Tất cả các khảo sát trên các bạn nên làm một cách tâm huyết nhất, dành thời gian nhiều cho nó và khi đã khảo sát xong nó sẽ giúp ích cho chúng ta trong việc định hướng cách bán quần áo trẻ em hiệu quả như thế nào. Lúc đó bắt đầu tính đến các vấn đề nên bán hàng gì (quần áo, giày dép, phụ kiện...), lứa tuổi nào ( sơ sinh, 2-5T, 5-10T,....), nguồn vốn, địa điểm, nguồn hàng...??? Quả là mệt đây, vấn đề này không hề đơn giản nhỉ...

3.2. Lựa chọn địa điểm mở shop quần áo trẻ em

Câu chuyện bán ở đâu cũng khá quan trọng. Bạn tính bán vỉa hè, mở cửa hàng riêng, bán trên website, bán trên Facebook, hay trên các sàn TMĐT...?

Thứ nhất , khi đã xác định được mình cần bán gì, chúng ta sẽ đi chọn địa điểm hợp lý để kinh doanh. Có thể bạn sẽ muốn mở shop bán hàng trực tiếp ở mặt phố, mặt ngõ , khu chung cư,...

Lưu ý với những bạn phải đi tìm thuê cửa hàng, chúng ta nên xem xét thật kỹ về địa điểm mình chọn, về lượng người qua lại, dân cư khu phố có thu nhập thế nào, phố đó chuyên bán gì, cửa hàng bạn định thuê như thế nào, đường lớn hay nhỏ, 1 chiều hay 2 chiều...

Thứ hai , chúng ta sẽ xác định mở shop quần áo trẻ em cần bao nhiêu vốn . Chi phí mở shop quần áo trẻ em lớn hay nhỏ cần quay trở lại vấn đề thứ nhất chọn lựa xem cái định hướng cho shop mình với nguồn vốn đó cần thay đổi như thế nào để xác định mở shop trực tiếp bán hay bán online,...

Thứ ba , chúng ta sẽ xác định nguồn hàng quần áo trẻ em như thế nào, hiện nay các shop bán buôn rất nhiều, thật dễ dàng để bạn tìm được nguồn hàng khi search Google trong vài phút. Hàng hoá thật phong phú đa dạng, có tiền là nhập được về bán. Tuy nhiên, là một người đã kinh doanh bán lẻ mình có vài điều muốn nói với các bạn như sau:

Tất cả các nơi bán buôn quần áo trẻ em ai cũng cho rằng mình có nguồn hàng giá tốt, mẫu mã phong phú, chất lượng đảm bảo, mình cũng vậy chứ. Tuy nhiên, là một khách hàng thông thái, bạn không nên chỉ có một mối ruột mà hãy có thật nhiều mối để lấy hàng. Và bỏ thời gian ra ghé thăm mỗi khi người ta có hàng mới. Để so sánh về mẫu mã, giá cả, chọn cho mình được những mặt hàng phù hợp nhất và tăng sự phong phú về các mặt hàng trong shop.

Muốn có giá tốt thì tự bạn phải cân nhắc suy xét tìm hiểu kỹ càng, ở đâu rẻ thì lấy, đôi khi đến một shop bạn thấy rằng cùng một mẫu mã mà shop này bán đắt hơn shop kia nhưng bạn biết đâu rằng một mẫu mã đó rẻ nhưng tất cả các mẫu khác thì rất cao. Có thể là các shop cạnh tranh với nhau chứ. Vì thế đầu óc phải nhanh nhậy tìm hiểu giá, ở đâu có mẫu mã rẻ thì lấy.

Điều này quả là khó vì có ai đi so sánh được mãi đâu. Bất cứ một thị trường nào cũng là vô cùng. Thôi thì cứ dựa vào uy tín của mối hàng vậy. Đôi khi cũng có thể bị cao thì coi như là mình thiếu may mắn một chút. Ngay cả bản thân người đi nhập hàng như mình đôi khi cũng có thể bị nhập cao chứ...

Để mà biết được mối buôn như thế nào chẳng còn cách nào khác là bạn phải thường xuyên quan tâm tới mối hàng, xem số lượng hàng của họ như thế nào, giá thế nào, hàng về liên tục không, mẫu mã thế nào...Điều này chứng mình rằng bán sẽ mất một quỹ thời gian cực lớn không chỉ lúc ban đầu mà cả sau khi shop đã đi vào hoạt động nữa. Có làm được như vậy thì các mặt hàng bạn nhập về mới thực sự gặp ít rủi ro nhất, nhanh thu hồi vốn nhất....

Có shop rồi, có mối hàng rồi, có vốn rồi, chúng ta phải làm gì với cái shop trống trơn của mình đây?

Tiếp tục hành trình tìm kiếm kinh nghiệm mở shop quần áo trẻ em nào...

Cách lập kế hoạch mở shop quần áo trẻ em từ A đến Z

3.3. Thuê nhân viên

Việc đầu tiên là chúng ta cần tìm một nhân viên biết việc, nhanh nhẹn, nhiệt tình với công việc. Nhân viên quan trọng lắm nhé. Cái đầu của bạn khi làm chủ hãy để nó thảnh thơi để biết bạn nên làm gì, đừng có nghĩ rằng bạn ôm được tất cả kể cả bạn có không đi làm cơ quan. Còn khi bạn phải đi làm thì việc thuê nhân viên quá cần thiết rồi.

Tuy nhiên đúng là với thời điểm hiện nay, việc tìm nhân viên là vô cùng nan giải. Cái này ngay cả mình nhiều lúc cũng bó tay. Nhưng khẳng định một điều, nếu không tìm được nhân viên cứng, shop bạn không thế hoạt động tốt được đâu...

3.4. Trang trí cửa hàng quần áo

Tiếp theo chúng ta sẽ phải tính xem nên trang trí cửa hàng quần áo như thế nào, sao cho tiết kiệm nhất là vẫn đem lại hiệu quả cao nhất. Theo ý kiến của mình nếu có điều kiện chúng ta nên tự trang trí shop, tự đầu tư thời gian, chi phí sẽ giảm nhiều mà tâm huyết dồn cho shop sẽ có giá trị hơn.

Mỗi người có một ý tưởng riêng trong việc trang trí cửa hàng quần áo trẻ em, nhưng nhìn chung mình nghĩ cái mà shop cần có là một sự nổi bật. Biển quảng cáo bên ngoài cần ấn tượng và thật là sáng, thu hút người qua đường. Bước chân vào shop mình khuyên mọi người nên sơn tường màu sáng, và làm nhiều đèn, tông trắng nên nổi bật, vì lý do quần áo rất nhiều màu sặc sỡ, nếu bạn chọn một màu sắc cá tính cũng khó để làm nổi bật lên được tất cả các sản phẩm trong shop mình.

Khi làm giá bạn nên xếp sắp xen kẽ và khoa học, không nên để một không gian hoàn toàn là tủ xếp, một không gian hoàn toàn là treo mắc, hãy xen kẽ nó cho hợp lý. Phân chia khu vực treo đồ body, quần sooc, quần dài, áo váy, chân váy, tránh để tình trạng lộn xộn, cái dài cái ngắn trông rất xấu. Hãy nhờ bạn bè và người thân xung quanh để họ góp ý và tự làm nếu có thể.

3.5. Đi nhập hàng

Tiếp theo bạn cần tìm kiếm các mối lấy hàng quần áo trẻ em và chọn lựa sản phẩm về bán. Cái này tuỳ con mắt của mỗi người rồi. Tuy nhiên mình có chút lưu ý, khi cầm một số tiền đi nhập hàng bạn nhớ cân nhắc kỹ không phải tất cả những gì đẹp là những gì bán chạy nhé!

Các bạn hãy lấy cái bảng khảo sát mình đã tìm được để làm kinh nghiệm nhập hàng cũng như kết hợp với kinh nghiệm của mình khi đi chọn đồ cho con, cũng như tiêu chí chí mua sắm khu vực mình bán hàng.

Số lượng nhập tuỳ theo bạn dự định bán lẻ hay cả bán buôn, bán trực tiếp cho khách quen, vãng lai… Đừng quên kết hợp cả hình thức bán online trên mạng vì đây là nơi thu hút khách hàng tiềm năng rất tốt. Để bán online bạn chỉ cần tạo một website bán hàng, kết nối với mọi người trên các mạng xã hội và diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm và chào bán sản phẩm.

Rõ ràng nhập hàng số lượng nhiều bạn sẽ nhận được giá rẻ, và có được sự tin tưởng của khách hàng khi đến mua và giúp họ có nhiều sự chọn lựa...Tuy nhiên hạn chế của nhâp hàng nhiều là vốn tồn đọng và điều quan trọng liệu bạn có giải quyết được hết số hàng tồn đọng đó?

Điều này tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố, có thể do phương thức kinh doanh chưa hợp lý, giá chưa chuẩn, hay con mắt chọn hàng của bạn có vấn đề...lúc đó lại phải xem lại xem nó lỗi ở khâu nào và chỉnh khâu đó. Đừng nghĩ rằng mình bán hàng kém duyên, vì thực tế điều đó hầu như là không xảy ra.

3.6. Trưng bày sản phẩm

Khi đã lấy hàng về rồi cần bày biện sắp xếp vào shop như thế nào... Cái này tuỳ vào con mắt từng người, miễn sao sắp xép cho khoa học và đừng quên chọn chỗ trọng tâm để khách hàng chú ý chẳng hạn...

Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị in túi ninong, in hoá đơn bán hàng, in card, in mác bắn vào áo để đính giá sao cho thật chuyên nghiệp và giúp đỡ bạn quản lý hàng, quản lý nhân viên.

Để đảm bảo an ninh đừng quên lắp một chiếc camera online để quản lý, dù bạn đi làm hay không thì cũng không phải lúc nào cũng trực tiếp ở cửa hàng được. Cái này sẽ giúp cho bạn xem xét thái độ làm việc của nhân viên, quản lý hàng hoá… Không phải 100% tuy nhiên mình nghĩ nó thật cần thiết đấy.

Nếu có điều kiện để đầu tư phần mềm quản lý bán hàng, máy quét mã vạch thì tốt quá rồi, nhưng nếu không có điều kiện bạn cũng vẫn có cách để khắc phục điều đó.

Trưng bày cửa hàng thật đẹp mắt là cách bán quần áo trẻ em hiệu quả

3.7. Khai trương cửa hàng

Đầu tiên cần chọn ngày đẹp, cái này tùy theo quan niệm mỗi người mà có thể cần hoặc không. Theo kinh nghiệm bán quần áo trẻ em của mình trước khi khai trương bạn nên lưu dấu ấn của shop với khách hàng trong ngày đó, nên đừng vội vàng.

Hãy lên chính sách thật cầu kỳ cho ngày này, chuẩn bị để làm sao càng nhiều người hưởng ứng nó càng tốt, vì sao ư? Khi người ta hưởng ứng nghĩa là shop bạn đã được quan tâm rồi, điều này làm nên sự thành công ban đầu mà rất quan trọng của shop bạn đấy.

Chính sách như thế nào và khi khách hàng có hứng thú hay không thì tuỳ từng người. Nhưng việc làm sao để nhiều người biết đến chính sách của shop thì bạn phải quảng cáo bằng nhiều phương tiện: báo điện tử, báo giấy, phát tờ rơi, quảng cáo cho bạn bè gia đình, cơ quan và tất nhiên nếu có mối quan hệ họ sẽ giúp bạn.

Lưu ý nữa là đừng tham lợi nhuận trong ngày khai trương, điều này sẽ làm bạn mất nhiều hơn được... Khi shop đã khai trương xong đừng nghĩ rằng bạn yên tâm ngồi chơi xơi nước. Giữ được khách mới là khó. Cái bạn cần nghĩ đến là làm sao khách đến một lần rồi thì sẽ quay lại và dẫn theo bạn bè... Nếu khách chỉ tới một lần rồi không quay lại nghĩa là shop bạn chẳng có ấn tượng hay thế mạnh gì cả. Bạn sẽ sớm phá sản mất thôi... Vậy phải làm thế nào?

3.8. Giữ hình ảnh của shop

Thứ nhất, thường xuyên chỉnh đốn và training nhân viên về thái độ bán hàng, tư cách bán hàng... Nhiệt tình nhưng không mềm mỏng, khéo léo nhưng không ép khách. Mang lại cho khách hàng sự thoải mái nhất khi ghé shop, bỏ tiền mà vẫn vui và muốn bỏ tiền thêm.

Thứ hai, thường xuyên bày biện sắp xếp hàng sao cho đẹp mắt, dễ tìm, dễ chọn, dễ kiểm hàng,...

Thứ ba, thường xuyên có các chương trình khuyến mại, giảm giá cho khách hàng vip, không phải là giảm giá mỗi khi hàng không bán được nhé, càng giảm thì càng ế, bạn giảm gía với ý nghĩa là cho khách hiểu, vì họ được coi trọng nên bạn ưu đãi cho họ chính sách đặc biệt.

Thứ tư, xin thông tin của khách hàng mỗi khi tới mua hàng, có những món quà hay lời chúc nhân các ngày đặc biệt của mẹ và bé. Bạn nhớ là đôi khi không tốn tiền đâu mà bạn sẽ có được nhiều tình cảm của khách hàng hơn. Nhưng hãy thật lòng và chân thành. Điều này sẽ giữ được tình cảm lâu dài trong suốt cuộc đời bạn.

Thứ năm, thường xuyên thông báo khi có hàng mới về. 

3.9. Quản lý cửa hàng

Hàng nhập về nhất định phải vào sổ sách, hàng xuất ra cũng vậy. Bán hàng phải có hoá đơn cho khách. Yêu cầu khách hàng khi đổi hàng phải giữ hoá đơn và bất cứ vấn đề gì thì đều có thể liên lạc vào số điện thoại nóng của bạn in to đùng trên cái bảng đính vào tường chỗ dễ nhìn nhất:

"Để đảm bảo quyền lợi của mình, khi có bất cứ vấn đề về giá cả, về thái độ phục vụ, vui lòng quay số điện thoại nóng 098765..."

Bạn hãy bán hàng đúng giá niêm yết, không mặc cả. Đặc biệt khuyên bạn nên kiểm hàng mỗi ngày (nếu có thể) hoặc ít nhất mỗi tuần một lần. Bạn nên xuất hiện ở cửa hàng hằng ngày vào những thời gian không nhất định, đừng có nghĩ là giao hết cho nhân viên, rồi có lúc hối hận không kịp.

Hãy cố gắng cùng nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng thường xuyên. Khi trở thành ông chủ/ bà chủ của những cửa hàng quần áo trẻ em, bạn nhất định phải học cách quản lý cửa hàng của mình. Nếu không, cửa hàng không thể vận hành 1 cách trơn chu.

Hãy đọc bài viết dưới đây để học cách quản lý cửa hàng hiệu quả, và để trở thành những người chủ shop thời trang trẻ em thành công nhé!

4. Cách bán quần áo trẻ em hiệu quả

4.1. Lựa chọn tên thương hiệu

Lựa chọn tên thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Riêng đối với 1 shop bán hàng quần áo trẻ em online thì bạn nên chọn 1 cái tên ngắn gọn, dễ thương và gần gũi với trẻ em.

Làm sao để mỗi khi nhắc đến tên shop, người tiêu dùng có thể liên tưởng được đó là 1 shop quần áo trẻ em chứ không phải là shop đồ điện tử hay cửa hàng tạp hóa nào đó. Đó hoàn toàn có thể là tiếng Việt hoặc tiếng Anh nhưng phải dễ hiểu và dễ phát âm.

Lựa chọn tên thương hiệu shop quần áo rất quan trọng

Có rất nhiều ý tưởng giúp bạn có 1 tên thương hiệu, ví dụ như theo đặc trưng sản phẩm, đặc điểm, quy mô như Kid Plaza, Shop Trẻ thơ, Baby Store, Bé Xinh Shop, Helo Kid, Shop con yêu… hoặc tên shop gắn liền với tên hay gọi của các bé như Bé Tôm Shop, Tít Mít Shop, Ku Bo Shop…

Những cái tên quá dài và khó phát âm luôn không được khuyến khích để đặt tên cho tất cả các ngành nghề chứ không riêng shop bán quần áo trẻ em. Xây dựng một tên thương hiệu hay, ấn tượng, dễ nhớ là một trong những cách bán hàng quần áo trẻ em giúp bạn thành công bước đầu.

4.2. Tư vấn chân thành, bán hàng tận tâm

Không ít các shop bán quần áo trẻ em chỉ hướng tới việc làm sao bán được càng nhiều hàng càng tốt mà coi nhẹ những lời tư vấn chân thành cho khách hàng. Khách hàng là những người tiêu dùng thông minh nhưng đều sẽ có những lúc bị “lóa mắt” bởi giá cả hoặc một lý do nào đó mà lựa chọn một cách lãng phí hay không phù hợp chẳng hạn.

Kinh nghiệm buôn bán quần áo trẻ em online từ các chủ shop lâu năm cho thấy, tư vấn chân thành, bán hàng tận tâm là một trong những bí quyết quan trọng để tạo thiện cảm và giữ chân khách hàng bên cạnh việc mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.

Ngoài ra, để tạo cho mình sự cạnh tranh trên thương trường, bạn cũng nên đưa ra các chính sách đổi trả dài hạn hơn đối với các đối thủ và thể hiện chúng ngay trên các trang mà bạn bán hàng. Điều này sẽ làm cho khách hàng cảm thấy an tâm hơn khi lựa chọn quần áo tại shop của bạn.

Kinh nghiệm mở shop quần áo trẻ em hiệu quả cho các chủ shop

4.3. Lựa chọn nguồn hàng uy tín, phù hợp

Đầu tiên, bạn cần phải lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn, phù hợp và theo bạn là có tiềm năng để phát triển. Một là kinh doanh thời trang bình dân, 2 là kinh doanh thời trang xuất khẩu, hàng hiệu.

Mỗi loại đều có những thuận lợi, khó khăn và phân khúc thị trường riêng, điều quan trọng là ở cách thức phù hợp với lựa chọn của bạn.

Sau đó, bạn cần phải tìm kiếm nguồn hàng quần áo giá sỉ và uy tín. Có nhiều cách để bạn tiếp cận được nguồn hàng quần áo trẻ em:

  • Liên hệ với các cơ sở xưởng sản xuất hoặc may gia công.
  • Đi đánh hàng trực tiếp nước ngoài hoặc đặt hàng trên các website để họ chuyển hàng về cho mình. 
  • Tìm đến các chợ đầu mối trong nước như Đồng Xuân, Ninh Hiệp, Tân Bình, An Đông…
  • Lấy lại của các cửa hàng bán buôn trong nước. Cách thức này phù hợp với những bạn mới kinh doanh hoặc kinh doanh nhỏ. Lợi nhuận sẽ không lớn bằng 2 cách thức trên.

Dù lấy hàng dưới hình thức nào, điều bạn cần chú ý đó là luôn phải kiểm định nguồn hàng chặt chẽ để đảm bảo cho mình nguồn hàng ổn đinh, chất lượng và giá cả hợp lý.

4.4. Nhạy bén với xu hướng thị trường quần áo trẻ em

Kinh doanh thời trang nói chung được coi là 1 ngành khá nhiều rủi ro bởi lẽ mặt hàng rất dễ bị lỗi mốt. Vì thế, việc luôn cập nhật xu thế tiêu dùng có vai trò rất quan trọng.

Kinh tế ngày càng phát triển, các bậc phụ huynh cũng ngày càng hướng tới những mốt mới, thời thượng để có được những sản phẩm tốt nhất cho con yêu của họ.

Để nắm bắt xu thế tiêu dùng trong ngành kinh doanh thời trang trẻ em, bạn hãy thường xuyên cập nhật các mẫu mới từ các nguồn hàng, xưởng sản xuất và theo dõi tình hình tiêu thụ của các shop cạnh tranh khác. Đồng thời, không ngừng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng để có được những nhu cầu và nguyện vọng của họ.

Chia sẻ bí quyết bán hàng trực tuyến quần áo trẻ em

Chia sẻ bí quyết bán hàng trực tuyến quần áo trẻ em

4.5. Mở rộng bán hàng trên các kênh online

So với mở cửa hàng, bán hàng online tiết kiệm được chi phí mặt bằng và một số chi phí phát sinh khác. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn nhiều kênh bán hàng khác nhau, từ miễn phí cho tới mất phí nhưng không đáng kể. Dưới đây là cách bán hàng quần áo trẻ em online hiệu quả.

  • Bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo,…)

Hiện nay, bán hàng trên mạng xã hội đang là một xu hướng hot, theo một thống kê gần đây nhất, Việt Nam xếp thứ 7 trên thế giới về lượng người dùng Facebook. Đây là một con số rất ấn tượng và bạn nên tận dụng kênh online này để có thể bán quần áo trẻ em một cách hiệu quả.

Trên fanpage có nhiều công cụ giúp bạn bán hàng, bạn có thể chạy quảng cáo Facebook hoặc sử dụng công cụ chatbot để chăm sóc khách hàng tự động,… giúp bán hàng một cách hiệu quả và chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

  • Bán hàng trên các sàn điện tử (Shopee, Lazada,…)

Đăng ký gian hàng trên sàn điện tử cũng là một cách để bạn tiếp thị sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Trên sàn sẽ có rất nhiều sản phẩm của các shop khác nên việc cạnh tranh về giá sẽ có lợi hơn nhiều cho bạn. Hãy áp dụng tỷ lệ 20-80 (20% sản phẩm giá rẻ lợi nhuận thấp để câu khách, 80% sản phẩm lợi nhuận trung bình hoặc cao).

  • Bán hàng trên diễn đàn (Webtretho, Lamchame,...)

Đăng sản phẩm lên các diễn đàn cũng là một trong những cách bán quần áo trẻ em online hiệu quả. Bởi vì, những diễn đàn thường có số lượng thành viên đông đảo và chất lượng, tức là tập trung nhiều đối tượng mục tiêu của bạn. Ví dụ như Lamchame, Webtrertho… là những diễn đàn lớn, nơi chia sẻ của các ông bố, bà mẹ tiềm năng.

  • Bán hàng trên website thời trang

Khi rao bán trên các diễn đàn, sàn giao dịch TMĐT bạn phải qua 1 kênh trung gian và chịu sự quản lý của bên thứ 3, thậm chí hàng tháng bạn sẽ phải trả một khoản không nhỏ cho các dịch vụ trên diễn đàn.

Tương tự, các trang mạng xã hội cũng có thể xảy ra rủi ro bất cứ lúc nào. Việc sở hữu một website bán hàng cho riêng mình giúp bạn dễ dàng quản lý kho hàng, đơn hàng, giao dịch với khách dễ dàng hơn. Quan trọng hơn cả, là bạn có thể SEO từ khóa cho các sản phẩm nổi bật của mình và để cạnh tranh với các hệ thống phân phối sản phẩm cho bé lớn trên toàn quốc.

Kinh nghiệm bán quần áo trẻ em online hiệu quả

4.6. Sử dụng phần phần mềm quản lý shop quần áo

Bạn không có thời gian dành cho bản thân và gia đình? Công việc quản lý kho, quản lý nhân viên, quản lý thu chi,… tại cửa hàng đã chiếm quá nhiều thời gian của bạn? Đừng lo, bạn hoàn toàn có thể giảm thời gian quản lý shop thời trang của mình xuống chỉ còn 1/10 như hiện nay chỉ với một phần mềm!

Chốt Nhanh POS – Phần mềm quản lý cửa hàng thời trang , shop quần áo tối ưu và hiệu quả nhất hiện nay sẽ giải quyết toàn bộ vấn đề trong cửa hàng của bạn. Từ việc quản lý hàng ngàn mẫu mã quần áo đến việc việc quản lý thu chi trong cửa hàng.

Lời kết

Hãy luôn củng cố tinh thần cho bản thân và gia đình (nhất là người đang sát cánh kinh doanh cùng bạn). Bước chân vào lĩnh vực kinh doanh bạn đã phải nghĩ rằng kiếm ra tiền là không đơn giản. Muốn tồn tại lâu dài đòi hỏi phải bỏ tâm huyết, bỏ thời gian, công sức rất nhiều.

Nếu bạn có con nhỏ thì càng “sờ trét” hơn nữa. Chồng lại không ủng hộ nữa chứ...Hàng chưa bán được mà vốn kẹt quá. Khách lại không nhiều. Ngày hôm nay chẳng bán được hàng. Sắp tới ngày đóng tiền nhà rồi........Nhiều thứ lo lắng quá!

Hãy bình tĩnh, hít thở thật sâu, bỏ mặc mọi thứ đã, đi đâu đó làm ly cafe hay kem mát, cân nhắc lại mọi thứ. Bình tĩnh xét xem nên giải quyết vấn đề nào trước, giải quyết như thế nào. Nếu không bạn sẽ rối hết cả lên.

Không có gì là không làm được cả...Cái này tuỳ vào khả năng giải quyết vấn đề của từng người...Giải quyết được thì bạn sẽ phát triển được...Không giải quyết mọi thứ sẽ chồng chất, bạn sẽ nản chí mệt mỏi suy sụp, shop bạn đi xuống và trên đà phá sản.

Hãy nghĩ rằng khi mình đã bỏ vốn vào (dù là tiền tự có hay đi vay) thì sống chết cũng phải tồn tại, gần chết rồi thì cũng phải cố mà gượng sống dậy để mà làm tiếp. Bằng mọi giá hãy nghĩ là như thế, trong kinh doanh chẳng có sự thử nghiệm nào hết. Nếu thất bại một lần kể cả bạn có nhảy sang lĩnh vực khác cũng vậy mà thôi.

Mình nghĩ rằng những kinh nghiệm mở shop quần áo mình chia sẻ ra đây là rất chân thành. Vì sao? Mình từng là một người khi bước chân vào lĩnh vực này mình không hề có một chút kinh nghiệm mở shop quần áo . Lúc ấy mình chưa có bé, vốn mình cũng là đi vay, mình không được chồng và gia đình ủng hộ và mình cũng đã từng thất bại.

Đây là những chia sẻ kinh nghiệm bán quần áo trẻ em của mình đã được đánh đổi bằng thất bại, bằng máu và nước mắt. Mong rằng với những bạn đang nuôi ý tưởng mở shop quần áo trẻ em sẽ có thể lĩnh hội và áp dụng cho mình một cách tinh tường và thấu đáo.

 XEM THÊM PHẦN MỀM MKT BÁN HÀNG KÊNH ZALO